Hàng trăm tỉ đồng đã được tỉnh Bình Dương và Tp Hồ Chí Minh đầu tư để cải thiện con kênh Ba Bò nổi tiếng bậc nhất về ô nhiễm. Mặc dù thế tình trạng ô nhiễm trên dòng kênh vẫn còn
Môi trường kênh vẫn chưa được cải thiện mặc dù đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng.
Từ cầu tỉnh lộ 43 (thuộc P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) dọc theo con kênh Ba Bò về phía hạ lưu, dòng kênh đã được mở rộng thẳng tắp. Hai mép bờ đều được xây kè bêtông cốt thép hình chữ V vững chắc.
Hai bên bờ kênh cũng xây mới thành hai con đường vừa được phun nhựa, rải đá mi và những dãy nhà mới mọc còn thơm mùi sơn. Nhưng dưới lòng kênh thì nước thảivẫn đen ngòm, đặc quánh, “lừ đừ” chảy qua những bậc tam cấp dưới đáy kênh sủi bọt trắng xóa.
Con kênh tai họa
Nhìn về phía dòng kênh, ông Phạm Văn Líc (73 tuổi, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) nhớ lại: “Kênh Ba Bò trước những năm 1990 tôm cá nhiều vô kể, nước lại trong xanh nên ngoài cung cấp thủy sản, người dân ở đây còn lấy nước ngọt tắm gội, thậm chí lắng lóng dùng để nấu ăn”.
Ngày trước ông Líc chỉ cần xách đèn, vác nơm đi một giờ thôi là có cá ăn hai, ba ngày. Nhờ tôm cá từ dòng kênh này mà một mình ông Líc nuôi được 10 miệng ăn trong gia đình. “Mấy năm nay, con kênh này trở thành kênh chết, không con gì sống nổi” - ông Líc buồn nói.
“Sau khi các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, Đồng An (Bình Dương)... mọc lên thì nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đúng tiêu chuẩn bắt đầu tràn ngập dòng sông, nước bắt đầu chuyển màu, tôm cá hết dần, nhất là từ năm 2003 trở về sau” - ông Nguyễn Văn Tư, cũng là cư dân sống lâu năm bên bờ kênh Ba Bò, cho biết.
Theo ông Tư, nguồn thủy sản từ kênh ít dần trong khi mùi hôi từ các hóa chất dưới lòng kênh lại tăng lên, “quấy phá” đời sống sinh hoạt của người dân sống dọc bờ kênh.
“Hàng loạt người già, trẻ em đều có các biểu hiện của bệnh viêm xoang, đường hô hấp ngày càng nhiều. Dù chưa khẳng định 100%, nhưng tôi nghĩ nó có liên quan đến các hóa chất dưới kênh bốc lên mà người dân hít phải hằng ngày” - ông Tư nhận định.
Chỉ tay về phía cánh cửa sắt đã hoen gỉ ông Tư nói sắt thép mà còn gỉ huống chi là con người, không bênh mới lạ. Bởi vậy nên cửa của tất cả người dân dọc con kênh này phải bịt kín lại, kể cả lỗ thông hơi.
Tình trạng ô nhiễm trên dòng kênh Ba Bò ngày càng trở nên dữ dội, có thời điểm người dân phải gọi là kênh chết, kênh thối. “Nhưng kêu gào mãi chẳng ăn thua, chúng tôi phải nhờ đến các cơ quan báo đài lên tiếng giúp” - anh Lê Thanh Tiển, một người dân ở đây, cho biết.
Cứ mỗi lần kênh Ba Bò bốc mùi hôi không chịu nổi, dưới kênh nổi bọt trắng là người dân ở đây lấy điện thoại, camera chụp hình, quay phim làm bằng chứng, cung cấp cho các cơ quan báo chí, thậm chí tung lên mạng xã hội xem như là một cách đòi lại môi trường sống trong lành cho cư dân tại đây.
Anh Tiển có thể kể vanh vách tên, số điện thoại của các phóng viên từng tới đây tác nghiệp về kênh Ba Bò và lưu giữ rất nhiều bài báo viết về tình trạng ô nhiễm của kênh này.
Sau một thời gian dài “đấu tranh”, người dân sống dọc con kênh Ba Bò vui mừng khi UBND TP.HCM đã có quyết định đầu tư hàng trăm tỉ đồng để cải tạo con kênh này từ năm 2007.
Tháng 10-2008, dự án cải tạo kênh Bà Bò chính thức được khởi công dưới sự chứng kiến của lãnh đạo UBND TP cũng như tỉnh Bình Dương và niềm hân hoan của cư dân hai địa phương.
“Thời điểm đó ai cũng thấy vui vì thấy được sự chịu đựng của mình đã được quan tâm giải quyết. Người nào cũng hi vọng không bao lâu nữa dòng kênh đen này sẽ dần xanh trở lại” - anh Tiển nhớ lại.
Kênh Ba Bò, đoạn gần cầu tỉnh lộ 43 đã được mở rộng, xây kè nhưng nước dưới kênh vẫn còn ô nhiễm, sủi bọt (ảnh chụp ngày 11-1-2015) - Ảnh: Quang Khải
Ô nhiễm như xưa
Kể từ khi công trình khởi công đến nay đã gần tám năm, nhưng hình ảnh con kênh xanh ngày nào dường như còn quá xa với những hộ dân ở đây.
Cho đến nay các công trình hoàn thành chỉ là những hạng mục phụ như nạo vét lòng kênh, xây kè (phía TP.HCM), đường..., còn hạng mục chính là hồ điều tiết với quy mô 5,7ha và hồ sinh học 2,45ha nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm, kiểm soát nguồn nước chảy xuống trên kênh Ba Bò vẫn chưa thấy được hình hài.
Theo quan sát tại các vị trí xây dựng hồ này là những hố sâu nham nhở, dưới các hố này nước bốc mùi hôi.
“Thật ra nếu nói kênh Ba Bò chưa giảm ô nhiễm là chưa ghi nhận hàng trăm tỉ đồng đã đổ xuống con kênh này. Cũng có thời điểm kênh Ba Bò đỡ hôi được vài tháng sau khi một số hạng mục dự án đã được đưa vào sử dụng” - anh Tiển nhìn nhận.
Tuy nhiên anh Tiển cho rằng đó chỉ là những thời điểm hiếm hoi. Hiện tại, kênh Ba Bò phía thượng nguồn thuộc tỉnh Bình Dương đang được các đơn vị tập trung thi công đoạn kè. “Có lẽ do đông người tập trung thi công dọc theo kênh nên các doanh nghiệp ít dám xả nước thải lén” - một người dân nhận định.
Cách đây không lâu vào đầu tháng 8-2014, người dân phát hiện nước dưới kênh Ba Bò lại bốc mùi hôi, sủi bọt trắng phủ dài một đoạn kênh. Khi có gió lùa qua, bọt dưới kênh bay mù trời, bám đầy mặt đường và nhà dân như mưa tuyết trên tivi. Nhiều người ùn ùn kéo ra đoạn kênh quay phim, chụp ảnh lại.
Bà Hoàng Thị Huệ - người dân khu phố Đồng An 2, P.Bình Hòa, thị xã Thuận An (Bình Dương) - cho hay do nhà nằm sát kênh Ba Bò (đoạn giáp ranh giữa Bình Dương và TP.HCM) nên bao nhiêu mùi hôi dưới kênh cứ xộc thẳng vào nhà khiến bà và gia đình nhiều phen ăn ngủ không yên dù nhà đã đóng kín cửa.
Là người dân bị thiệt hại nặng nề bởi ô nhiễm kênh Ba Bò, anh Tiển cho biết từng có ý định cùng gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên lo ngại đi nơi khác ảnh hưởng tới công việc của mình, học hành của con và với dự án cải tạo kênh Ba Bò nên anh Tiển bám trụ với mảnh đất của ông bà để lại với hi vọng dòng kênh sẽ được hồi sinh.
“Mỗi lần về trung tâm TP đi trên con đường Trường Sa, Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tôi cảm thấy rất buồn. Cùng là cải tạo kênh, nhưng dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thay đổi được bộ mặt con kênh cũng như đời sống của người dân, trong khi kênh Ba Bò trầy trật gần tám năm nay vẫn chưa thay đổi nhiều” - anh Tiển chia sẻ.
Lời cam kết?
Theo người dân ở đây, để con kênh thật sự hồi sinh thì phải kiểm soát được chất lượng nước thải từ hệ thống xử lý nước thải sản xuất các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, Đồng An... Đồng thời phải sớm triển khai hoàn tất dự án xây dựng hồ điều tiết (dung tích 250.000m3) cũng như hồ sinh học (thuộc địa phận TP.HCM) đã kéo dài nhiều năm nay.
Về vấn đề này, theo ông Võ Thanh Huy - giám đốc Ban quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM), hạng mục hồ sinh học có mục tiêu chủ yếu giải quyết nước thải sinh hoạt các cụm dân cư chưa qua hệ thống xử lý thải ra kênh Ba Bò chứ không thể xử lý ô nhiễm hóa chất từ các khu công nghiệp Bình Dương đổ về.
Vì vậy nếu hồ sinh học xây dựng xong, nước kênh Bà Bò từ thượng nguồn đổ về vẫn còn ô nhiễm hóa chất vượt khả năng xử lý thì hồ sinh học cũng không giải quyết được tận gốc thực trạng ô nhiễm.
Hiện nay các hạng mục này chỉ mới hoàn thành khoảng 70% tiến độ. Về lý do dự án chậm trễ kéo dài, theo ông Huy, do vấn đề giải phóng mặt bằng, vì vậy phát sinh vấn đề bù trượt giá cho nhà thầu.
“Hiện chúng tôi đã xin ý kiến và được UBND TP đồng ý về mặt chủ trương cho phép bù trượt giá và theo cam kết của nhà thầu sẽ cố gắng hoàn thành công trình này trong năm 2015” - ông Huy cho biết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét