Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Filled Under:

Dân nghèo làm giàu

Share


Công tác chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc được các địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là trong phát triển kinh tế để ngày càng có nhiều hộ khá, hộ giàu như ngày nay, người dân Đồng Nai đặc biệt là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế còn khó khăn cũng thuộc trong diện này.

Image result for hình ảnh mô hình chăn nuôi

Ảnh minh họa

Công tác khuyến khích, nhân rộng những điển hình giỏi, mô hình sản xuất hay đã góp phần phát triển các phong trào thi đua trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đã thể hiện vai trò quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở cộng đồng.

- Những tỷ phú người dân tộc

Năm 2014, toàn tỉnh có 869 hộ dân tộc sản xuất, kinh doanh giỏi, tăng 88 hộ so với năm 2013. Trong đó, số hộ sản xuất, kinh doanh đạt mức lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm tăng cao. Đặc biệt, có nhiều hộ đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Đồng Nai không thiếu những “đại gia” chăn nuôi, “vua” trồng trọt là người dân tộc thiểu số, như: ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô lớn tại huyện Xuân Lộc; “vua bắp” Lý Phát Sinh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp Lang Minh (huyện Xuân Lộc); ông Nông Văn Biến (huyện Cẩm Mỹ) nổi tiếng với mô hình trồng tiêu và mở xưởng bóc tách hạt điều tạo việc làm cho hàng chục lao động…

Những tỷ phú người dân tộc thiểu số này đều xuất phát điểm từ điều kiện kinh tế khó khăn, đã nỗ lực lao động, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi để làm giàu. Bà Hoàng Uyên Mai, người dân tộc Tày, ở xã Núi Tượng (huyện Tân Phú), chia sẻ: “Gia đình tôi đi lên từ nghèo khó nhờ chăm chỉ lao động, không ngại ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới. Gia đình tôi đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để chuyển đổi từ trồng cây ngắn ngày sang cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, tôi đầu tư chăn nuôi thêm heo, gà, dê; tự chế biến thức ăn chăn nuôi; tận dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ cho vườn cây. Hiện ngoài vườn tiêu rộng 1,5 hécta cho năng suất cao, gia đình tôi còn thu được trên 100 triệu đồng/năm lợi nhuận từ chăn nuôi”.

Điều đáng biểu dương là những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi này khi có điều kiện về kinh tế vẫn luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn khác vượt nghèo. Ông Thổ Dĩ, dân tộc Chơro (xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) xuất phát từ hộ khó khăn, chỉ có khoảng 2 ngàn m2 đất ruộng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tích lũy, ông đã mua được vài hécta đất, sắm được 3 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất tại địa phương. Ông sẵn lòng đem kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất hướng dẫn cho cộng đồng dân tộc tại địa phương. Ông đã giúp đỡ hơn 100 lao động người dân tộc Chơro, người Kinh nghèo có việc làm ổn định, không lấy lãi về vốn, giống, công làm đất…

- Xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ về kinh nghiệm giúp nhau vượt nghèo, góp phần vào thành tích chung của Xuân Lộc để trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, ông Văn Bé, dân tộc Chơro tại ấp 8, xã Xuân Bắc, kể: “Ở vùng này, nghề chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ lợi thế của địa phương là có đồng cỏ rộng. Bà con dân tộc thiểu số không có vốn mua con giống nên thường bỏ công nuôi bò cho những người có vốn đầu tư. Khi đàn bò đẻ thêm bê con, người nuôi thường được chủ đầu tư chia cho 1 nửa số bê con sau 1 năm nuôi dưỡng. Theo cách này, dần dần nhiều hộ dân tộc ở đây có được đàn bò từ 5-6 con”. Kinh tế khá lên, bà con dân tộc ở ấp 8 mới có điều kiện đóng góp cả trăm triệu đồng đầu tư đường điện trung thế về tận cánh đồng phục vụ sản xuất.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, từ việc góp đất, góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng đến tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương; từ giữ gìn bản sắc dân tộc đến phong trào thi đua sản xuất... Trong đó, những già làng, trưởng bản được cộng đồng tin tưởng đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia. Già làng Điểu Trách (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành), dân tộc S’tiêng, tự hào khoe: “Nhiều năm liền, làng tôi chưa có người vướng vào tệ nạn xã hội. Đời sống các hộ dân tộc cũng được cải thiện nhiều so với trước. Xưa mình không biết cái chữ, nay con em dân tộc được tạo điều kiện học hành, có người đi học nghề, có người vào đại học rồi quay về quê phát triển kinh tế. Về kiến thức, sự nhanh nhạy trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, những người trẻ này không thua gì người Kinh”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét