Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Filled Under:

Ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng cao

Share
Trạng môi trường nước ta hiện đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng trong những năm qua trong khi nền kinh tế đang ngày càng phát triển.



Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng môi trường bị xấu đi chính là do hoạt động phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, nông thôn, làng nghề vẫn còn thiếu sự quản lý chặt chẽ là nhận xét của các chuyên gia môi trường. Và nếu như không có giải pháp cấp thiết, thỏa đáng sẽ tạo ra lực cản lớn đối với quá trình đô thị hóa, ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư…

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực đô thị cũng như các địa phương đang có xu hướng tăng mạnh là thông tin được cung cấp trong báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm - Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, không tuân thủ thiết kế ban đầu và không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.Việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở nước ta diễn ra khá nhanh, song lại chưa đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường.

Kèm theo đó, không khí ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũ đang bị ô nhiễm do các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã phát sinh một lượng không nhỏ chất thải rắn  và chất thải nguy hại, là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Dù cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường  tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Việc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng cũng là áp lực lớn tác động lên môi trường.

Bên cạnh đó, hoạt động phát triển đô thị, nông thôn và làng nghề cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường: Hiện nay, chất thải rắn phát sinh từ các đô thị chiếm khoảng 46% tổng lượng chất thải rắn của cả nước và tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm. Khu vực nông thôn phát sinh khoảng 7 triệu tấn rác thải sinh hoạt mỗi năm, hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại, 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi (chưa kể một khối lượng lớn chất thải sản xuất từ các làng nghề) trong khi tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt chỉ vào khoảng 40 - 50%...

Cả nước có tới 5.096 làng nghề, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận hiện nay là 1.748 làng nghề là kết quả thống kê đến hết năm 2014. Kết quả khảo sát 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy, 46% trong số đó có môi trường bị ô nhiễm nặng (về không khí, nước hoặc đất, hoặc cả ba dạng), 27% bị ô nhiễm vừa. Điều đáng nói, mức độ ô nhiễm của các làng nghề không giảm mà còn có xu hướng gia tăng…

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, ông Lê Hoài Nam cho rằng: Để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trước tiên cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản. Đồng thời, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn, cần kiểm soát có hiệu quả nguồn thải của các phương tiện giao thông vận tải; có chính sách khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch. Nghiên cứu, xây dựng Chương trình quốc gia về đầu tư, xử lý nước thải, trước mắt tập trung vào các đô thị lớn đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn và Đề án tổng thể xử lý chất thải rắn môi trường nghiêm trọng ra khỏi các đô thị, khu dân cư tập trung…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét